Người phụ nữ ăn xin trở thành phu nhân nước lớn.

Trương phu nhân đầu đời gian khổ nhưng cuối đời bình yên, trở thành phu nhân tướng quốc. Trong ảnh thể hiện một phần tác phẩm “Tây viên nhã tập đồ” của Mô Cừu Anh, Đinh Quan Bằng thời nhà Thanh.

Trương Tùng Ân (898-966 SCN) là người Thái Nguyên, Bình Châu, một vị tướng của Ngũ Đại Thập Quốc, đồng thời là tiết độ sứ của nhà Bắc Tống. Những năm đầu thời kỳ Hậu Tấn, Trương Tùng Ân nhờ thân phận bên nhà ngoại mà được thăng làm hữu kim ngô vệ tướng quân, chẳng bao lâu sau được thăng làm thích sử Bối Châu, thăng tiếp làm phó lưu thủ Bắc Kinh, chuyển sang làm phòng ngự sử Thiền Châu, lần lượt giữ chức phó sứ cơ mật và nam viện sứ Tuyên Huy (kiêm lưu thủ Tây Kinh), không lâu sau được bổ nhiệm làm tam ti sứ.

Khi tiết độ sứ An Tùng Tiến vào Tương Dương khởi binh phản loạn, Trương Tùng Ân là binh mã đô giám. Khi hoàng đế trẻ lên ngôi, ông được gia phong làm bình chương sự (tức tể tướng). Vào thời nhà Chu sau này, ông chuyển sang tả kim ngô vệ thượng tướng quân. Khi Chu Tổ chinh phục Duyện Châu, Trương Tùng Ân tòng hành. Khi Chu Thế Tông kế vị ngai vàng, ông được phong làm đại sư kiểm giáo, phong hiệu quốc công. Khi Tống triều kiến lập, ông được cải phong Hứa quốc công, sau này vì bệnh mà được miễn quan. Ông mất năm Càn Đức thứ tư, thọ 69 tuổi.

Khi Trương Tùng Ân làm binh mã đô giám của quân đội, ông đã tiếp nạp một nàng thiếp mới. Nàng là người Hà Đông, dung mạo rất xinh đẹp, thông minh mẫn tiệp, lại đa tài đa nghệ. Người thiếp này khi mới mười bốn mười lăm tuổi, bị một quan quân chiếm hữu thân xác, sau đó trở thành thê tử nhỏ của ông ấy. Viên quan quân này đổi đến Lạc Dương để phòng thủ, nàng phải đi theo ông ấy. Khi đến Thượng Đãng, nàng đột ngột đổ bệnh, viên quan quân phải sai người khiêng nàng đi. Khi đến Bắc Tiểu Kỉ, bệnh càng trở nặng, ngay cả nước canh cũng không uống được, từ sáng đến chiều bị tiêu chảy hơn trăm lần. Nàng chỉ còn da bọc xương, bẩn thỉu, hôi hám, hồ đồ, căn bản không cách nào đến gần được. Viên quan quân chán ghét đến mức ném nàng xuống lề đường, còn bản thân theo đội ngũ rời đi.

Nàng bị bỏ lại bên đường nhiều ngày không ăn không uống, người qua đường nhìn nàng đều rất thương xót. Ven đường tình cờ có một cái hang trũng trên sườn núi, có thể chứa được vài người, trẻ con đốn củi và chăn gia súc thường chạy vào đó khi muốn trú mưa tránh gió. Những người qua đường thương hại nàng đã bế nàng đặt vào hang trên sườn núi. Vài ngày sau, bệnh tình của nàng dần thuyên giảm. Nhưng toàn bộ quần áo của nàng đã bị bọn côn đồ có mặt ở đó lấy mất. Nàng không còn cách nào khác ngoài việc lấy một ít lá và cỏ rơi về để che thân. Khi có chút sức lực, nàng cố gắng đi bộ chậm rãi đến một quán cơm gần đó, ban ngày xin đồ ăn thừa của người khác, ban đêm đến ngủ dưới mái hiên của lữ quán.

Một ngày nọ, có một bà lão đến gặp nàng và nói: “Tôi nghĩ cô không giống là một người ăn xin. Tôi sống cách đây không xa, chỉ khoảng ba trăm bước thôi.” Nói xong, bà cụ liền đưa nàng về nhà. Bà tắm rửa gội đầu cho nàng, tìm quần áo cho nàng mặc, đồ ăn duy nhất có thể cho nàng ăn mỗi ngày chỉ có cháo và rau, không gì tốt hơn, nhưng chỉ trong vòng vài tháng, nàng đã bình phục như xưa, dung nhan vóc dáng xinh đẹp diễm lệ tựa như tiên nữ! Gia đình nào trong xóm có con trai chưa kết hôn đều tranh nhau hỏi cưới nàng, nhưng nàng đều từ chối.

Một ngày nọ, một vị thư sinh tình cờ đi ngang qua chỗ của nàng, biết được chuyện này, lại yêu cầu được gặp nàng nhiều lần. Sau khi gặp rồi, chàng thư sinh lập tức nói với bà cụ: “Có thể xin cưới nàng ấy làm vợ tôi không? Nếu đồng ý, tôi sẽ tặng lão năm mươi mảnh lụa nhiều màu sắc.” Bà cụ liền đồng ý. Sau khi bàn giao xong, thư sinh bảo nàng thay y phục và trang sức mới, rồi đưa nàng lên xe của mình. Hai người cùng nhau đến Tương Dương và thuê một căn nhà ở đó.

Không lâu sau khi họ đến đó, An Tùng Tiến, tiết độ sứ đóng quân ở Tương Dương dấy binh phản loạn, kẻ phản loạn vì tham tiền tài của thư sinh nên lợi dụng lúc hỗn loạn đã giết thư sinh và cướp vợ chàng. An Tùng Tiến thất bại, nàng bị binh sĩ bắt đi trong lúc hỗn loạn. Có người thấy nàng đặc biệt xinh đẹp, nên đã hiến nàng cho tướng quân Trương đô giám.

Trương đô giám chính là Trương Tùng Ân, trong số những thê thiếp của mình, ông đặc biệt sủng ái người thiếp này. Vài năm sau, người vợ cả của Trương Tùng Ân qua đời, nên ông đã để nàng nhiếp chính, cho nàng làm tân phu nhân của mình. Trương Tùng Ân trở thành thích sử một quận, và nàng cũng được phong là quận phu nhân. Nàng đã trở thành một người vợ rất giỏi quản gia nghiệp, rất nghiêm khắc quy củ, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dùng lễ pháp để đo lường. Khi Trương Tùng Ân được đặc biệt gia phong làm bình chương sự, thừa tướng đầu hàm vào thời Hậu Tấn, nàng cũng được tấn phong là phu nhân đại quốc, cuối cùng qua đời trong phủ Lạc Dương.

Một người phụ nữ sau khi trải qua cùng tận gian nan nguy hiểm, bị người đời đưa đẩy đến mất cả trinh nguyên, phải đi ăn xin trong nguy khốn, mà cuối cùng lại phú quý vinh hoa, được tấn phong là phu nhân đại quốc, tất cả là vì sao? Hiền nhân quân tử thời cổ đại, khi họ còn chưa gặp thời cơ, nguy nan trong phong trần, đói rét nhếch nhác, chính là dù có kêu trời cầu chết cũng khó được như nguyện. Nhưng một khi thời chuyển vận đến, kiến công lập nghiệp, phong vân tế hội, thì họ bỗng như rồng rống hổ gầm, bỗng chốc đạt thành tựu, quan cao lộc hậu, ân sủng gia tăng liên miên bất tuyệt, công danh sự nghiệp lưu danh sử sách, những người như vậy có rất nhiều. Tôi sở dĩ ghi lại câu chuyện này là để cho mọi người biết rằng, ngay cả một người phụ nữ thấp kém, tầm thường cũng không nên dễ dàng bị coi thường, chứ đừng nói đến những người có tài văn võ, nhất thời bị mắc kẹt trong địa vị thấp kém giữa bách tính bình dân!

Hương Thảo.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *