Liệt nữ truyện: Người mẹ như thế nào mới có con tài đức?

Người xưa có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Người mẹ đức hạnh mới có thể giúp con sửa sai, rèn đức, thành tài. Người mẹ nhân hậu mới có thể để dành phúc cho con. Người mẹ trí tuệ mới có thể giúp con giải trừ tai hoạ. Trong lịch sử, Lỗ Quý Kính Khương là một người mẹ như thế.

Dạy con lựa chọn người kết giao

Một lần, Văn Bá đi học về, Kính Khương liếc mắt nhìn, thấy bạn bè theo Văn Bá đi vào nhà, rồi từ bậc thềm đi giật lùi, tay cầm kiếm đứng thẳng, hầu hạ Văn Bá giống như đối với cha và anh vậy. Văn Bá tự cho rằng mình đã trưởng thành. Kính Khương gọi Văn Bá lại mắng rằng: 

“Ngày xưa khi Chu Vũ Vương bãi triều, dây buộc tất trên chân bị đứt, nhìn xung quanh không thấy ai có thể sai khiến được bèn tự mình cúi xuống buộc lại, do đó có thể thành tựu Vương đạo. Tề Hoàn Công có ba người bạn có thể tranh biện với mình, có năm vị hạ thần có thể khuyên can mình, có 30 người hàng ngày vạch trần sự sai lầm của mình, do vậy mà có thể xây dựng bá nghiệp. Khi Chu Công Đán ăn cơm đã ba lần dừng lại, khi gội đầu dở cũng ba lần vén tóc để tiếp đãi người hiền, còn đem lễ vật đến hang cùng ngõ hẻm để viếng thăm hơn 70 người, do vậy mà có thể duy trì sự thống trị của vương thất nhà Chu. Hai Thánh một hiền ba người họ đều là những vị vua có tài năng bá vương mà chịu hạ mình trước người khác. Người mà họ giao du cũng đều giỏi hơn mình, cho nên bất giác họ cũng giỏi lên. Hiện nay con còn nhỏ, chức vị thấp. Người mà con giao lưu đều là người phục vụ con, rõ ràng là cứ như thế này thì con sẽ không có tiền đồ phát triển gì”. 

Văn Bá nhận sai, từ đó trở đi đều chọn thầy giỏi bạn hiền để phụng dưỡng, chọn những người tuổi cao đức trọng để giao du. Đối với họ, Văn Bá đều chỉnh trang mũ áo, đích thân biếu tặng đồ ăn. Kính Khương bảo: “Văn Bá đã khôn lớn thành người rồi”. Bậc quân tử khen ngợi Kính Khương là người chú ý giáo dục cảm hóa toàn diện. 

Đạo trị quốc cũng như dệt vải

Sau này, Văn Bá làm Tướng quốc nước Lỗ, Kính Khương bảo con trai rằng: “Ta bảo con rằng yếu lĩnh trị quốc giống như sợi dọc của vải dệt. Khổ dùng để điều chỉnh đúng sai nên không thể không cứng cỏi. Cho nên người giống như Khổ có thể làm tướng lĩnh. Họa dùng để làm cho đồng đều, làm cho phục tùng, người giống như Họa có thể làm chính quan. Vật dùng để xử lý các việc rườm rà và rộng hẹp dài ngắn, người như Vật có thể làm Đô đại phu. Qua lại dẫn lối, đi về không ngừng, đó là Khổn, người giống Khổn có thể là đại hành nhân (quan ngoại giao). Có thể đưa đi dẫn lại là Tông, người như Tông có thể làm thầy giáo. Có thể làm chủ số lượng nhiều ít là Quân, người như Quân có thể làm nội sử. Có thể kiên cố chính trực, gánh nặng đường xa là Trục, người như Trục có thể làm Tể tướng. Co dãn tùy ý vô cùng tận là Trích, người như Trích chức vị có thể làm đến Tam Công”. Văn Bá nghiêm túc nghe mẹ dạy bảo.

Mong mẹ an nhàn hưởng phúc chưa hẳn đã là hiếu thuận

Sau khi bãi triều, Văn Bá về nhà, đi gặp mẹ, thấy mẹ đang dệt vải. Văn Bá nói: “Nhà chúng ta như vậy mà mẹ lại phải dệt vải, e là làm cho tổ tiên khiển trách, cho rằng con không phụng dưỡng được mẹ!”. 

Kính Khương nghe xong bèn than rằng: “Chẳng nhẽ nước Lỗ không còn hy vọng rồi sao! Để con trẻ làm quan mà lại không dạy cho rõ đạo lý làm quan. Nào! Để mẹ bảo cho mà nghe! 

Ngày xưa các bậc Vua anh minh trị vì nhân dân, chọn nơi đất đai cằn cỗi để cho nhân dân cư trú sinh sống là để cho nhân dân chăm chỉ lao động, như vậy mới cai quản thiên hạ lâu dài được. Bởi vì nhân dân chăm chỉ lao động mới có thể suy nghĩ, vì suy nghĩ mới có thể nảy sinh thiện tâm. Sống trong an nhàn thì sẽ chìm đắm hưởng lạc quá độ, vì quá độ chìm đắm hưởng lạc sẽ quên đi lòng lương thiện, tâm sẽ sinh ác niệm. Đa số người sống ở nơi đất đai phì nhiêu đều không thành tài, là bởi vì quá độ chìm đắm hưởng lạc. Người sống nơi đất đai cằn cỗi thì nhiều nhân nghĩa vì họ có thể chịu khó lao động. 

Cho nên, Thiên tử hàng ngày long trọng nghênh đón ánh mặt trời, cùng với tam công cửu khanh học tập đức hạnh của đất mẹ. Buổi trưa hàng ngày điều tra khảo cứu chính sự, cùng với bá quan xử lý chính sự quốc gia để cho các cấp quan viên xử lý những việc nhân gian. Đến chập tối lại cùng quan Thái sử, Tư tải (quan khảo sát thiên văn) nghiên cứu thiên văn lịch pháp. Sau khi mặt trời lặn phải đôn đốc nữ quan phi tần chuẩn bị đồ lễ để cúng tế, sau đó mới được đi ngủ.

Chư hầu sáng sớm hàng ngày tu tập theo lệnh của Vua, ban ngày phải chăm chỉ điều tra khảo cứu quốc chính, chập tối kiểm tra việc chấp hành hình pháp, buổi tối phải nhắc nhở các thợ bách nghệ để cho họ không sa đắm lười biếng, sau đó mới có thể yên tâm đi nghỉ.

Khanh đại phu sáng sớm hàng ngày cân nhắc trách nhiệm công việc của mình, ban ngày phải hoàn thành các việc chính sự, chập tối phải kiểm tra lại những việc đã làm, buổi tối mới xử lý việc nhà, sau đó mới được yên tâm nghỉ ngơi.

Kẻ sĩ sáng sớm hàng ngày phải suy nghĩ đến học vấn, ban ngày chăm chỉ học hành, chập tối ôn tập lại những gì đã học, buổi tối suy xét cả ngày có lỗi lầm không, không có điều hối tiếc thì sau đó mới yên tâm ngủ nghỉ.

Dân thường thì trời sáng dậy đi làm, trời tối thì nghỉ ngơi, hàng ngày lao động không lười biếng. 

Vương Hậu tự bện chùm tua rủ hai bên mũ, phu nhân của công hầu thì thêm tua quai mũ, vợ của khanh đại phu làm đai lớn, mệnh phụ làm lễ phục, vợ của kẻ sĩ thì làm thêm triều phục, từ bình dân bách tính trở xuống đều không ngừng cố gắng để cho chồng có quần áo để mặc. 

Thờ cúng vào mùa xuân, mùa đông thì mọi người đều có việc, trai gái mỗi người có nhiệm vụ của mình, không thể hoàn thành thì sẽ bị trách phạt, đây là chế độ từ xưa đã có. Người đời lao tâm khổ chí, người bình thường bỏ sức, đây là lời giáo huấn của Tiên đế. Từ trên xuống dưới, không có người nào dám thích hưởng thụ an nhàn mà không bỏ sức lực.

Hiện nay, mẹ chỉ là một người đàn bà góa chồng, còn địa vị của con cũng không cao. Cho nên hàng ngày mẹ làm việc không quản ngày đêm mà còn sợ sẽ quên đi sự nghiệp của Tổ tiên, nếu như lười biếng thì không biết sẽ bị trừng phạt như thế nào! Mẹ mong con hàng ngày có thể gắng sức, nhắc con rằng nhất định không được phụ lòng kỳ vọng của Tổ tiên, mà con hỏi mẹ tại sao không an nhàn hưởng phúc. Con lấy cái tâm này mà ham muốn làm quan thì mẹ e là nhà Mục Bá phải tuyệt hậu rồi!”.

Sau khi Khổng Tử biết được việc này bèn nói: “Các đệ tử hãy ghi nhớ, vợ của Công Phụ Mục Bá không ham muốn hưởng thụ an nhàn!”. 

Cẩn thận cả những điều nhỏ nhặt

Văn Bá mời Nam Cung Kính Thúc uống rượu, Lộ Đổ Phụ là khách quý, bưng cho Đổ Phụ con ba ba rất bé. Đổ Phụ sau khi nhìn thấy vô cùng tức giận, mọi người mời ăn ba ba, Đổ Phụ khước từ rằng: “Đợi sau khi ba ba lớn ta sẽ ăn!”, thế rồi phẩy tay áo bỏ đi. 

Sau khi Kính Khương biết được thì vô cùng tức giận nói: “Ta nghe ông nội của con từng nói, cúng tế là để cúng dường người được cúng dường, mời khách là để cúng dường khách quý. Ba ba đối với người mà nói thì có đáng gì. Sao có thể vì việc này để khách quý không vui”, thế là đuổi Văn Bá ra khỏi nhà. Năm ngày sau, các đại phu nước Lỗ cầu xin cho Văn Bá, cuối cùng mới được về nhà. 

Cho nên bậc quân tử nói Kính Khương vô cùng cẩn thận ngay cả với những việc nhỏ nhặt. Kinh Thi có câu: “Ngã hữu chỉ tửu, gia tân thức yến dĩ lạc” (Ta có rượu ngọt, khách uống cùng vui), đây là nói phải tôn trọng khách.

Có thơ ca ngợi rằng: “Văn Bá chi mẫu, hiệu viết Kính Khương, thông đạt tri lễ, đức hạnh quang minh, khuông tử quá thất, giáo dĩ pháp lý, Trọng Ni hiền yên, liệt vi từ mẫu”.

Tạm dịch: Mẹ của Văn Bá, hiệu là Kính Khương, thông đạt lễ nghĩa, đức hạnh quang minh, dạy con sửa sai, dạy cho phép tắc, Khổng Tử khen ngợi, xếp hàng từ mẫu.

Thanh Ngọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *